Giờ mở cửa

Từ 07h đến 17h tất cả các ngày trong tuần (Trừ ngày thứ 3, nếu thứ 3 là ngày lễ, tết thì vẫn mở cửa bình thường) |

0251.8850 023
08 36 16 16 18

KP 4, Huỳnh Văn Nghệ,
P. Bửu Long, TP. Biên Hoà

buulong.kdl@gmail.com

Menu
Địa điểm tham quan

Chùa Cổ Bửu Phong

a/ Lịch sử xây dựng và quá trình trùng tu:

Bửu Phong cổ tự nguyên là một am tranh được vị hòa thượng hiệu là Bửu Phong thiền sư dựng nên năm 1616 và lấy tên mình đặt cho chùa. Đến năm 1678 một nhóm dân binh Trung Quốc, thuộc hạ tổng lãnh binh Trần Thượng Xuyên nhà Minh chống quân Thanh đến Chùa tị nạn và xây dựng lại bằng gạch ngói, thỉnh đại sư Hoàng Long Đường thượng hiệu Thành Trí làm tổ sư, năm 1829 một nhóm phú thương người Hoa  trùng tu lại theo kiến trúc cổ của Trung Quốc.

Năm 1896, vị hòa thượng pháp truyền tự là Chơn Ý tiếp tục tu sửa nhà thờ tổ, giảng đường, trang trí nội thất, chạm khắc các bức hoành phi, câu liễn đối.

Năm 1944, hòa thượng Huệ Quang trụ trì cho lợp lại ngói chánh điện, mở rộng hậu đường ( liêu phòng ni phái) về phía Bắc, nhà đường tăng ở phía Nam.

Năm 1963, Yết Ma Thiên Giáo cho trang trí lại giảng đường, xây đài Quan Thế Âm trước chùa.

Năm 1964, hòa thượng Tăng Thống Huệ Thành cho xây dựng Đài Tam Thế Phật và điện Linh Sơn Thánh Mẫu.

Năm 1986, Ni sư Huệ Hương (hiện đang trụ trì tại chùa) xây lại nhà Cầu, làm cửa ra vào ở phía Nam của chùa, trang trí lại toàn bộ các câu liễn đối, các bức hoành phi, bức chạm khắc trong chùa, mua sắm thêm một số vật dụng để thờ Phật.

Năm 1989, Ni sư Huệ Hương cho xây dựng thêm trên tầng thượng nhà cầu : tượng Phật Bà Quan Âm, tượng Di Lặc và ngôi tịnh thất thờ Xá Lợi Phật.

b/ Vị trí :

Từ chân núi Bình Điện đi lên 99 bậc thang ở độ cao 37m hiện ra trước mắt chúng ta một  ngôi chùa nằm thấp thoáng sau cây bồ đề to lớn. Mặt chính của chùa quay về hướng Đông, từ đây nhìn xuống sân bay Biên Hòa, Văn Miếu Trấn Biên và những ô ruộng xanh tươi, cách sau chùa khoảng 500m là con sông Đồng Nai hiền hòa uốn khúc. Bên trái của chùa là đá Thanh Long, bên phải là Hàm Hổ.

c/ Đặc điểm :

Cổng chùa xây bằng gạch thẻ, mái lợp ngói ống mặt trước có ghi 4 chữ Hán “ Bửu Phong Cổ Tự”, dưới ghi 1616 (năm xây dựng của chùa). Phía dưới có bậc đá tam cấp, tiếp đến một con đường nhỏ về hướng Đông khoảng 30m dẫn đến sân chùa. Trước chùa có tượng Phật Bà Quan Âm Nam Hải (Phật đứng cao 3,50m) tọa trong đài sen và cách khoảng 20m là giếng nước Vua Gia Long (1789), theo truyền thuyết cho rằng khi vua Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh chạy khỏi Phú Xuân-Huế, trên đường đi có dừng chân nơi đây và cho đào một cái giếng lấy nước và xung quanh thành cho đến tận đáy xếp bằng đá vuông rất đẹp (hiện nay vẫn còn đá xây thành giếng lên khá cao). Trước tượng Phật là 3 ngôi bảo tháp hình bát giác, 4 tầng xây bằng đá xanh, sau tượng Phật Bà là cột phướn cao 5m bằng sắt rỗng, chân cột hình bát giác mỗi cạnh 2,50m cao 1,30m, xây bằng đá xanh.

Ø      Bên phải Chùa:

+ Khoảng 50m là đài tam Thế Phật tọa lạc trên một vùng đất cao rộng khoảng 52m2, nền cao 1,20m, xây bằng đá xanh lót gạch bông. Tạo hình của đài là 3 tượng đúc bằng xi măng cốt thép ngự trên bục cao.

+ Đức Thích Ca cao 2m trên tòa sen ở giữa mặt quay về hướng Bắc với mặt từ bi. Bên hướng Đông , Đức Di Lặc vui tươi tay cầm xâu chuỗi bồ đề như sẵn sàng khoan thứ lỗi cho nhân loại. Phía Tây, Đức A Di Đà cao 1,80m trầm ngâm việc lo nghĩ việc cứu khổ chúng sinh.

+ Phía trước Phật Đài về  hướng Đông dưới làn cây cổ thụ là tượng Phật nằm thành đạo, phía trên là  tượng Phật Thích Ca khổ hạnh ngồi tọa thiền trên tảng đá voi cúng dường, khỉ hái trái dâng quả.

+ Phía sau tượng Phật Đài về hướng Đông là Long đầu hổ (còn gọi là hàm hổ do 3 khối đá tự nhiên to lớn nằm chồng lên nhau, từ xa nhìn giống đầu con cọp đang há miệng)

Ø      Bên trái chùa :

Khoảng 30m là ngôi tịnh xá Bửu Pháp thờ đức Thích Ca và vị tổ Minh Đăng Quang. Tịnh xá Bửu Pháp hình bát giác, diện tích khoảng 25m2. Phía sau tịnh xá 10m là Long đầu Thạch còn gọi là hàm rồng là do hai khối đá khổng lồ nằm chồng lên nhau, hòn đá trên tạo hòn đá dưới một góc 60o.

Từ sân chùa nhìn vào với vẻ bề thế uy nghiêm đầy hưng thịnh cho nên ngôi chùa được chia ra các phần như sau:

Chánh điện : Chánh điện có diện tích 173m2, nền cao 1m xây bằng đá xanh. Toàn bộ mặt trước của chùa gồm 3 cửa chính, kiến trúc kiểu khung vòm bằng nhau ( 2,80m x 3m), hai bên là hai khung vòm nhỏ hơn. Trên các khung vòm là đề tài trang trí theo từng mảng, ở trên cùng là một mảng lớn trang trí theo hình cuốn thư, đối xứng là các cặp lân ngậm trái châu, cá hóa long, tượng Phật và rồng bằng các vật liệu xi măng, gốm màu và sành sứ nhiều màu đắp nổi.

Phía dưới trên gờ tường là hoa văn đắp nổi đồng tiền dây lá cách điệu, mặt ngoài ghép bằng mảnh sành sứ nhiều màu sắc. Mảng tiếp theo là các khung hình chữ nhật, trong đắp nổi nhóm tứ linh, biểu tượng của quyền và sức mạnh.

Cuối cùng, trên mỗi khung vòm là hình rồng chầu mặt trời, trên hai cột giữa là cặp liễn chữ Hán màu đen, cột hai bên là cặp liễn chữ Hán đắp nổi bằng xi măng, ngoài đắp bằng sành sứ nhiều màu,  hai cột ngoài cùng là hình rồng uốn lượn đắp nổi.

 Tiền sảnh : giữa tiền sảnh là bệ thờ xi măng, hai bên có cặp liễn chữ Hán. Đi vào trong chánh điện bằng hai cửa ( 1,80m x 3,70m) đối xứng nhau.

Chánh điện chia làm 3 gian bởi hai hàng 6 cột gạch xi măng tròn  100m cao 6,50m. Hai cột ngoài đắp nổi rồng uốn lượn, bốn cột trong đắp nổi rồng uốn mây, thân rồng sơn nhiều màu nhìn rất uy nghiêm.

Gian giữa: Thờ Phật Di Đà, Thích Ca, Ngọc Hoàng, Văn Thù, Phổ Hiền, Thế Trí…và các vị Bồ Tát, hương án (2,50m x 1,50m). Phía trên hương án trang trí hình mai, hai bên đắp nổi hình dây lá điểm trên  mờ nhạt bằng gạch men.

Hai bên trái và phải thờ Đức Quan Công  và Vị Đạt Ma Tổ Sư, trên hương án là 03 bức hoành phi bằng gỗ (1,80m x 1m) nền đỏ chữ Hán, đường viền xung quanh hoành phi chạm nổi hình rồng chầu mặt trời.

Đối diện thờ chính ( mặt tường ngoài nhìn vào) là bệ thờ xi măng (1,20m x 2,60m) trên một kim quang bằng gỗ màu sẫm, hình lục giác cao 1,60m, đỉnh gắn chữ vạn. Phía trên kim quan là tượng Phật Bà Quan Âm, dưới nền là hai vị kim quan đứng đầu. Sau kim quan là bức tranh lớn vẽ bằng bột màu, trên tường về sự tích Phật Thích Ca.

Mặt tường bên phải : Chính giữa là một Thập Diện Diêm Vương, bên trái là bức tranh lớn vẽ Phật Thích Ca ngồi tu khổ hạnh, bên phải là hương án thờ đức Địa Tạng Bồ Tát…

Mặt tường bên trái : (bày trí như bên mặt tường phải)

Giảng đường : từ chánh diện sang giảng đường bằng hai cửa đối xứng nhau (3,10m x 1,10m). Giảng đường là nơi truyền giảng về đạo giáo, diện tích 161.46m2 (13,80m x 11,70m) gồm 04 mái lợp ngói âm dương, đặc biệt bộ khung kèo làm bằng gỗ núi quý có hơn 100 năm.

Giảng đường chia làm 03 gian bởi 04 hàng 16 cột, trong đó : 8 cột xi măng (30cm x 30cm) cao 4,50m, hai cột ngoài gỗ tròn 300 cao 6,50m. Cột sơn màu đỏ sẫm, trên mỗi cột vẽ rồng cuốn mây, sơn nhiều màu.

- Gian giữa : dọc theo 3 hàng cột là 3 bệ thờ Phật…Ngoài thờ Phật Chuẩn Đề 18 tay trên bàn thờ gỗ. Trên 2 cột gỗ trên là cặp liễn chữ Hán sơn son thiếp vàng. Chính giữa thờ Phật Thích Ca có vòng hào quang ngũ sắc biểu thị cho sức mạnh của trí tuệ. Trên 2 cột gỗ bên là  một cặp liễn đối bằng gỗ đắp nổi rồng uốn mây, vẫy rồng  sơn màu nhũ vàng.Giữa hai cột là một bao lam bằng gỗ chạm khắc lửng đề tài hoa điểu là bức hoành phi bằng gỗ (1m x 0,50m) nền đỏ đề chữ Hán.Cuối cùng thờ bà Chúa Ngọc hai bên là cặp liễn chữ Hán.

- Hai bên trái và phải : thờ vong linh những người đã khuất cùng với những bức tranh vẽ về sự tích Phật Thích Ca và Thập Diện Diêm Vương.

Nhà Cầu : là nơi hành lễ và tiếp khách, nằm ở giữa giảng đường và nhà thờ Tổ. Nhà Cầu chỉ có một gian với hai hàng 10 cột xi măng (30cm x 4m) ở hai bên trên mỗi cột có liễn đối chữ Hán, màu đen.

Nhà Cầu có diện tích 70m2, mái bằng bêtông cốt thép. Trên mái có ngôi Tịnh Thất, tượng Phật Bà Quan Âm, tượng Di Lạc Bồ Tát…Tại đây có cửa ra vào ở phía nam và phía trên cửa là tấm bảng lớn bằng xi măng (4,30m x 1,50m) “ Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Bửu Phong Cổ Tự - xã Tân Bửu – Thành Phố Biên Hòa – Đồng Nai.”

Nhà thờ Tổ : Nối tiếp nhà Cầu, diện tích 130,46m2 (16,70m x 13,80m) gồm 4 mái ngói lợp âm dương. Nhà Thờ Tổ chia làm 03 gian bởi 03 hàng 12 cột gỗ tròn 300 cao 6,50m, cột màu đỏ trên mỗi cột có treo một tấm liễn bằng chữ Hán sơn son thiếp vàng.

Gian giữa : thờ vị Phật Tổ, xung quanh có 12 bài vị của các vị tổ qua đời đặt trên hương án. Đường viền xung quanh bề mặt hương án chạm khắc lửng bằng gỗ rất công phu và tinh vi đề tài rồng chầu mặt trời, sơn kim nhũ màu vàng. Phía trên hương án là bức hoành phi bằng gỗ( 1m x 0,80m) nền đỏ, đề chữ Hán, đường viền xung quanh khắc hình rồng dây lá cách điệu.

Hai bên trái và phải là bàn thờ các long vị của các vị tổ qua đời, trên tường là bức tranh vẽ bằng bột màu hình cuốn mây, dưới là 5 ô vuông (lõm) trong đá, nổi nhóm tứ linh. Trước bàn thờ long vị giữa hai cột gỗ là tấm bao lam chạm lững đề tài hoa điểu, phía trên là bức hoành phi bằng gỗ (80cm x 50cm) nền đỏ chữ vàng.

Sau nhà thờ tổ là phòng nghỉ và nhà kho, phía bên trái là điện Linh Sơn Thánh Mẫu.

+ Hậu đường : (Liêu phòng ni phái tín nữ). Hậu đường có diện tích 120m2 và ăn thông với nhà thờ tổ về phía Bắc. Hậu đường chia làm 03gian: gian giữa làm phòng ăn, gian trái làm nhà bếp, gian còn lại là phòng nghỉ.

+ Nhà tăng(sư nam): Từ giảng đường đi sang nhà Tăng là một khung vòm ở phía nam của chùa.

+ Các cổ vật trong chùa: Trải qua 7 lần trùng tu và mở rộng  nhưng Bửu Phong Cổ Tự vẫn giữ lại một số cổ vật như:

14 câu liễn đối bằng gỗ (4m x 0,40m).

9 bức hoành phi bằng gỗ.

Kinh sử sách nhà chùa.

01 cặp nai vàng bằng gỗ cao 0,50m.

Một số chén dĩa sứ cổ đời Thanh.

Báu vật nhà Phật (Xá Lợi Phật).

Đầu phướn cổ (Nhà Phật).

d/ Các ngày cúng trong năm:

Ngoài 3 lễ chính: thượng ngươn (15/1 AL), trung ngươn ( 15/7 AL), hạ ngươn (15/10 AL) và còn có lễ lớn 12/8 AL hàng năm vía tổ.

2/ Cụm núi Long Ẩn:

Nằm hướng đông danh thắng Bửu Long, giữa cụm núi Bình Điện và cụm hồ nước có diện tích 3,4ha, đỉnh cao nhất so với mặt đất là 52m, có nhiều cây xanh mọc theo sườn núi. Đặc biệt về hướng đông có ngôi chùa Hang (Long Sơn Thạch Động) với cảnh quang thiên nhiên tuyệt đẹp.