I/ ĐẶC ĐIỂM CHUNG DANH LAM THẮNG CẢNH
1/ Vị trí địa lý:
Khu danh thắng Bửu Long nằm về hướng Tây Bắc TP.Biên Hòa, cách trung tâm TP.Biên Hòa 5km và cách TP.HCM về hướng Đông. Danh thắng Bửu Long nằm bên tả ngạn sông Đồng Nai, cạnh Tỉnh lộ 24 đường đi Vĩnh Cửu, trước kia thuộc thôn Bình Điền, Ấp Tân Bửu, xã Tân Bửu nay là Phường Bửu Long – TP.Biên Hòa – tỉnh Đồng Nai.
Khu danh thắng Bửu Long có vị trí như sau:
+ Hướng Đông - Nam : giáp đường đất ranh giới khu vực Trường THCS Bửu Long chạy dọc theo Hồ Long Ẩn và đến phía sau núi Bình Điện dẫn đến Văn Miếu Trấn Biên và vành đai sân bay Biên Hòa.
+ Hướng Đông – Bắc : giáp Tỉnh lộ 24 ( Biên Hòa – Vĩnh Cửu ), chạy ngang qua cổng Chùa Bửu Phong khoảng 200m.
v Toàn bộ khu danh thắng Bửu Long có diện tích 84 ha gồm có:
+ Diện tích hồ : 24.9 ha ( Hồ Long Ẩn và Hồ Long Vân )
+ Diện tích núi : 121 ha ( núi Bình Điện (núi lớn), núi Long Ẩn )
2/ Địa hình :
Địa hình khu danh lam thắng cảnh Bửu Long là dạng địa hình trung chuyển từ cao nguyên Nam Trung Bộ đến miền đồng bằng, một địa hình bằng phẳng có đồi, núi, ao, hồ và sông.
Núi đá Bửu Long được tạo thành cách nay từ 100-150 triệu năm và có độ cao trung bình so với mực nước biển.
3/ Cảnh quan :
Khu danh thắng Bửu Long được xem là một công trình được thiên nhiên ưu đãi, do tác động mưa gió xâm thực, gọt dũa, bào mòn để tạo thành một cảnh sắc thiên nhiên mỹ lệ, sơn thủy hữu tình, hài hòa với công trình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo mang dấu ấn của nhiều thời đại ( chùa Bửu Phong – 1616).
Đến với vùng đất di tích danh thắng quốc gia Bửu Long còn có Hồ Long Ẩn, hồ Long Vân thơ mộng với những vách đá dựng đứng được bàn tay thiên nhiên và con người tác động mà tạo thành những đảo đá ẩn hiện lung linh soi bóng trên mặt hồ như “Vịnh Hạ Long thu nhỏ”.
4/ Lịch sử địa danh:
Cách nay khoảng trên 300 năm, vùng đất này còn là đồi núi hoang vu, lác đác mấy mái nhà tranh đơn sơ. Vào một ngày đẹp trời có vị sư từ miền Trung đến ngoạn du, đi qua dãy núi rừng trùng điệp giữa cảnh hoang sơ tươi đẹp lạ lùng. Nhà sư này dừng chân ngắm cảnh, phân định vị trí, sau cùng ông dựng nên một ngôi chùa nhỏ để tu niệm Phật. Tại đây, nhà sư lấy pháp danh của mình là Bửu Phong thiền sư, đặt tên cho chùa là Chùa Bửu Phong-1616. Vì có cảnh chùa, mỗi ngày tiếng chuông mõ vang lên dân chúng từ từ đến đây tụ tập tìm phương sinh sống. Lúc này, nhà sư mới khai sinh cho địa danh là xóm Bửu Long (Bửu:quý; Long : rồng > nghĩa là “Trái châu của Rồng”).
Người dân tụ về vùng đất này ngày càng đông, tên Bửu Long dần theo năm tháng như : xóm Bửu Long, ấp Bửu Long, phường Bửu Long và đến hơn 150 năm sau có một nhà địa lý đến nghiên cứu vùng đất này và cho biết là đất rồng ẩn ( Long Ẩn ). Theo giải thích: chùa Bửu Phong tọa lạc trên trái châu của rồng (tức núi Bình Điện, còn núi kế bên hướng về trái châu núi này là núi Long Ẩn). Rồng uốn khúc qua bên kia sông (Tân Ba), uống qua mã chú Hỏa, cuộn về núi Châu Thới (đuôi của rồng).
II/ VÙNG DI TÍCH DANH THẮNG BỬU LONG
1/ Cụm núi Bình Điện:
Nằm về hướng Đông Bắc của khu danh thắng, có diện tích 8.7ha, đỉnh cao nhất là 37m so với mặt đất. Trên đỉnh và sườn núi có một số cây cổ thụ, xung quanh có nhiều cây mọc um tùm, rậm rạp. Tảng đá to lớn tạo những hình kỳ dị, trong như hàm rồng, hàm hổ, tảng đá nhỏ có hình dạng như voi, tảng đá thấp như cá, rùa…Ngoài ra, còn có ngôi tịnh xá Bửu Pháp hình lục giác, 3 ngôi bảo tháp 4 tầng với các bức tượng Phật nằm rải rác tạo thêm vẻ uy nghiêm, bí ẩn cho núi Bình Điện. Đặc biệt, trên ngọn núi này tọa lạc ngôi Bửu Phong Cổ Tự.
BỬU PHONG CỔ TỰ :
a/ Lịch sử xây dựng và quá trình trùng tu:
Bửu Phong cổ tự nguyên là một am tranh được vị hòa thượng hiệu là Bửu Phong thiền sư dựng nên năm 1616 và lấy tên mình đặt cho chùa. Đến năm 1678 một nhóm dân binh Trung Quốc, thuộc hạ tổng lãnh binh Trần Thượng Xuyên nhà Minh chống quân Thanh đến Chùa tị nạn và xây dựng lại bằng gạch ngói, thỉnh đại sư Hoàng Long Đường thượng hiệu Thành Trí làm tổ sư, năm 1829 một nhóm phú thương người Hoa trùng tu lại theo kiến trúc cổ của Trung Quốc.
Năm 1896, vị hòa thượng pháp truyền tự là Chơn Ý tiếp tục tu sửa nhà thờ tổ, giảng đường, trang trí nội thất, chạm khắc các bức hoành phi, câu liễn đối.
Năm 1944, hòa thượng Huệ Quang trụ trì cho lợp lại ngói chánh điện, mở rộng hậu đường ( liêu phòng ni phái) về phía Bắc, nhà đường tăng ở phía Nam.
Năm 1963, Yết Ma Thiên Giáo cho trang trí lại giảng đường, xây đài Quan Thế Âm trước chùa.
Năm 1964, hòa thượng Tăng Thống Huệ Thành cho xây dựng Đài Tam Thế Phật và điện Linh Sơn Thánh Mẫu.
Năm 1986, Ni sư Huệ Hương (hiện đang trụ trì tại chùa) xây lại nhà Cầu, làm cửa ra vào ở phía Nam của chùa, trang trí lại toàn bộ các câu liễn đối, các bức hoành phi, bức chạm khắc trong chùa, mua sắm thêm một số vật dụng để thờ Phật.
Năm 1989, Ni sư Huệ Hương cho xây dựng thêm trên tầng thượng nhà cầu : tượng Phật Bà Quan Âm, tượng Di Lặc và ngôi tịnh thất thờ Xá Lợi Phật.
b/ Vị trí :
Từ chân núi Bình Điện đi lên 99 bậc thang ở độ cao 37m hiện ra trước mắt chúng ta một ngôi chùa nằm thấp thoáng sau cây bồ đề to lớn. Mặt chính của chùa quay về hướng Đông, từ đây nhìn xuống sân bay Biên Hòa, Văn Miếu Trấn Biên và những ô ruộng xanh tươi, cách sau chùa khoảng 500m là con sông Đồng Nai hiền hòa uốn khúc. Bên trái của chùa là đá Thanh Long, bên phải là Hàm Hổ.
c/ Đặc điểm :
Cổng chùa xây bằng gạch thẻ, mái lợp ngói ống mặt trước có ghi 4 chữ Hán “ Bửu Phong Cổ Tự”, dưới ghi 1616 (năm xây dựng của chùa). Phía dưới có bậc đá tam cấp, tiếp đến một con đường nhỏ về hướng Đông khoảng 30m dẫn đến sân chùa. Trước chùa có tượng Phật Bà Quan Âm Nam Hải (Phật đứng cao 3,50m) tọa trong đài sen và cách khoảng 20m là giếng nước Vua Gia Long (1789), theo truyền thuyết cho rằng khi vua Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh chạy khỏi Phú Xuân-Huế, trên đường đi có dừng chân nơi đây và cho đào một cái giếng lấy nước và xung quanh thành cho đến tận đáy xếp bằng đá vuông rất đẹp (hiện nay vẫn còn đá xây thành giếng lên khá cao). Trước tượng Phật là 3 ngôi bảo tháp hình bát giác, 4 tầng xây bằng đá xanh, sau tượng Phật Bà là cột phướn cao 5m bằng sắt rỗng, chân cột hình bát giác mỗi cạnh 2,50m cao 1,30m, xây bằng đá xanh.
Ø Bên phải Chùa:
+ Khoảng 50m là đài tam Thế Phật tọa lạc trên một vùng đất cao rộng khoảng 52m2, nền cao 1,20m, xây bằng đá xanh lót gạch bông. Tạo hình của đài là 3 tượng đúc bằng xi măng cốt thép ngự trên bục cao.
+ Đức Thích Ca cao 2m trên tòa sen ở giữa mặt quay về hướng Bắc với mặt từ bi. Bên hướng Đông , Đức Di Lặc vui tươi tay cầm xâu chuỗi bồ đề như sẵn sàng khoan thứ lỗi cho nhân loại. Phía Tây, Đức A Di Đà cao 1,80m trầm ngâm việc lo nghĩ việc cứu khổ chúng sinh.
+ Phía trước Phật Đài về hướng Đông dưới làn cây cổ thụ là tượng Phật nằm thành đạo, phía trên là tượng Phật Thích Ca khổ hạnh ngồi tọa thiền trên tảng đá voi cúng dường, khỉ hái trái dâng quả.
+ Phía sau tượng Phật Đài về hướng Đông là Long đầu hổ (còn gọi là hàm hổ do 3 khối đá tự nhiên to lớn nằm chồng lên nhau, từ xa nhìn giống đầu con cọp đang há miệng)
Ø Bên trái chùa :
Khoảng 30m là ngôi tịnh xá Bửu Pháp thờ đức Thích Ca và vị tổ Minh Đăng Quang. Tịnh xá Bửu Pháp hình bát giác, diện tích khoảng 25m2. Phía sau tịnh xá 10m là Long đầu Thạch còn gọi là hàm rồng là do hai khối đá khổng lồ nằm chồng lên nhau, hòn đá trên tạo hòn đá dưới một góc 60o.
Từ sân chùa nhìn vào với vẻ bề thế uy nghiêm đầy hưng thịnh cho nên ngôi chùa được chia ra các phần như sau:
· Chánh điện : Chánh điện có diện tích 173m2, nền cao 1m xây bằng đá xanh. Toàn bộ mặt trước của chùa gồm 3 cửa chính, kiến trúc kiểu khung vòm bằng nhau ( 2,80m x 3m), hai bên là hai khung vòm nhỏ hơn. Trên các khung vòm là đề tài trang trí theo từng mảng, ở trên cùng là một mảng lớn trang trí theo hình cuốn thư, đối xứng là các cặp lân ngậm trái châu, cá hóa long, tượng Phật và rồng bằng các vật liệu xi măng, gốm màu và sành sứ nhiều màu đắp nổi.
Phía dưới trên gờ tường là hoa văn đắp nổi đồng tiền dây lá cách điệu, mặt ngoài ghép bằng mảnh sành sứ nhiều màu sắc. Mảng tiếp theo là các khung hình chữ nhật, trong đắp nổi nhóm tứ linh, biểu tượng của quyền và sức mạnh.
Cuối cùng, trên mỗi khung vòm là hình rồng chầu mặt trời, trên hai cột giữa là cặp liễn chữ Hán màu đen, cột hai bên là cặp liễn chữ Hán đắp nổi bằng xi măng, ngoài đắp bằng sành sứ nhiều màu, hai cột ngoài cùng là hình rồng uốn lượn đắp nổi.
· Tiền sảnh : giữa tiền sảnh là bệ thờ xi măng, hai bên có cặp liễn chữ Hán. Đi vào trong chánh điện bằng hai cửa ( 1,80m x 3,70m) đối xứng nhau.
Chánh điện chia làm 3 gian bởi hai hàng 6 cột gạch xi măng tròn 100m cao 6,50m. Hai cột ngoài đắp nổi rồng uốn lượn, bốn cột trong đắp nổi rồng uốn mây, thân rồng sơn nhiều màu nhìn rất uy nghiêm.
· Gian giữa: Thờ Phật Di Đà, Thích Ca, Ngọc Hoàng, Văn Thù, Phổ Hiền, Thế Trí…và các vị Bồ Tát, hương án (2,50m x 1,50m). Phía trên hương án trang trí hình mai, hai bên đắp nổi hình dây lá điểm trên mờ nhạt bằng gạch men.
Hai bên trái và phải thờ Đức Quan Công và Vị Đạt Ma Tổ Sư, trên hương án là 03 bức hoành phi bằng gỗ (1,80m x 1m) nền đỏ chữ Hán, đường viền xung quanh hoành phi chạm nổi hình rồng chầu mặt trời.
Đối diện thờ chính ( mặt tường ngoài nhìn vào) là bệ thờ xi măng (1,20m x 2,60m) trên một kim quang bằng gỗ màu sẫm, hình lục giác cao 1,60m, đỉnh gắn chữ vạn. Phía trên kim quan là tượng Phật Bà Quan Âm, dưới nền là hai vị kim quan đứng đầu. Sau kim quan là bức tranh lớn vẽ bằng bột màu, trên tường về sự tích Phật Thích Ca.
Mặt tường bên phải : Chính giữa là một Thập Diện Diêm Vương, bên trái là bức tranh lớn vẽ Phật Thích Ca ngồi tu khổ hạnh, bên phải là hương án thờ đức Địa Tạng Bồ Tát…
Mặt tường bên trái : (bày trí như bên mặt tường phải)
· Giảng đường : từ chánh diện sang giảng đường bằng hai cửa đối xứng nhau (3,10m x 1,10m). Giảng đường là nơi truyền giảng về đạo giáo, diện tích 161.46m2 (13,80m x 11,70m) gồm 04 mái lợp ngói âm dương, đặc biệt bộ khung kèo làm bằng gỗ núi quý có hơn 100 năm.
Giảng đường chia làm 03 gian bởi 04 hàng 16 cột, trong đó : 8 cột xi măng (30cm x 30cm) cao 4,50m, hai cột ngoài gỗ tròn 300 cao 6,50m. Cột sơn màu đỏ sẫm, trên mỗi cột vẽ rồng cuốn mây, sơn nhiều màu.
- Gian giữa : dọc theo 3 hàng cột là 3 bệ thờ Phật…Ngoài thờ Phật Chuẩn Đề 18 tay trên bàn thờ gỗ. Trên 2 cột gỗ trên là cặp liễn chữ Hán sơn son thiếp vàng. Chính giữa thờ Phật Thích Ca có vòng hào quang ngũ sắc biểu thị cho sức mạnh của trí tuệ. Trên 2 cột gỗ bên là một cặp liễn đối bằng gỗ đắp nổi rồng uốn mây, vẫy rồng sơn màu nhũ vàng.Giữa hai cột là một bao lam bằng gỗ chạm khắc lửng đề tài hoa điểu là bức hoành phi bằng gỗ (1m x 0,50m) nền đỏ đề chữ Hán.Cuối cùng thờ bà Chúa Ngọc hai bên là cặp liễn chữ Hán.
- Hai bên trái và phải : thờ vong linh những người đã khuất cùng với những bức tranh vẽ về sự tích Phật Thích Ca và Thập Diện Diêm Vương.
§ Nhà Cầu : là nơi hành lễ và tiếp khách, nằm ở giữa giảng đường và nhà thờ Tổ. Nhà Cầu chỉ có một gian với hai hàng 10 cột xi măng (30cm x 4m) ở hai bên trên mỗi cột có liễn đối chữ Hán, màu đen.
Nhà Cầu có diện tích 70m2, mái bằng bêtông cốt thép. Trên mái có ngôi Tịnh Thất, tượng Phật Bà Quan Âm, tượng Di Lạc Bồ Tát…Tại đây có cửa ra vào ở phía nam và phía trên cửa là tấm bảng lớn bằng xi măng (4,30m x 1,50m) “ Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Bửu Phong Cổ Tự - xã Tân Bửu – Thành Phố Biên Hòa – Đồng Nai.”
§ Nhà thờ Tổ : Nối tiếp nhà Cầu, diện tích 130,46m2 (16,70m x 13,80m) gồm 4 mái ngói lợp âm dương. Nhà Thờ Tổ chia làm 03 gian bởi 03 hàng 12 cột gỗ tròn 300 cao 6,50m, cột màu đỏ trên mỗi cột có treo một tấm liễn bằng chữ Hán sơn son thiếp vàng.
ü Gian giữa : thờ vị Phật Tổ, xung quanh có 12 bài vị của các vị tổ qua đời đặt trên hương án. Đường viền xung quanh bề mặt hương án chạm khắc lửng bằng gỗ rất công phu và tinh vi đề tài rồng chầu mặt trời, sơn kim nhũ màu vàng. Phía trên hương án là bức hoành phi bằng gỗ( 1m x 0,80m) nền đỏ, đề chữ Hán, đường viền xung quanh khắc hình rồng dây lá cách điệu.
Hai bên trái và phải là bàn thờ các long vị của các vị tổ qua đời, trên tường là bức tranh vẽ bằng bột màu hình cuốn mây, dưới là 5 ô vuông (lõm) trong đá, nổi nhóm tứ linh. Trước bàn thờ long vị giữa hai cột gỗ là tấm bao lam chạm lững đề tài hoa điểu, phía trên là bức hoành phi bằng gỗ (80cm x 50cm) nền đỏ chữ vàng.
Sau nhà thờ tổ là phòng nghỉ và nhà kho, phía bên trái là điện Linh Sơn Thánh Mẫu.
+ Hậu đường : (Liêu phòng ni phái tín nữ). Hậu đường có diện tích 120m2và ăn thông với nhà thờ tổ về phía Bắc. Hậu đường chia làm 03gian: gian giữa làm phòng ăn, gian trái làm nhà bếp, gian còn lại là phòng nghỉ.
+ Nhà tăng(sư nam): Từ giảng đường đi sang nhà Tăng là một khung vòm ở phía nam của chùa.
+ Các cổ vật trong chùa: Trải qua 7 lần trùng tu và mở rộng nhưng Bửu Phong Cổ Tự vẫn giữ lại một số cổ vật như:
14 câu liễn đối bằng gỗ (4m x 0,40m).
9 bức hoành phi bằng gỗ.
Kinh sử sách nhà chùa.
01 cặp nai vàng bằng gỗ cao 0,50m.
Một số chén dĩa sứ cổ đời Thanh.
Báu vật nhà Phật (Xá Lợi Phật).
Đầu phướn cổ (Nhà Phật).
d/ Các ngày cúng trong năm:
Ngoài 3 lễ chính: thượng ngươn (15/1 AL), trung ngươn ( 15/7 AL), hạ ngươn (15/10 AL) và còn có lễ lớn 12/8 AL hàng năm vía tổ.
2/ Cụm núi Long Ẩn:
Nằm hướng đông danh thắng Bửu Long, giữa cụm núi Bình Điện và cụm hồ nước có diện tích 3,4ha, đỉnh cao nhất so với mặt đất là 52m, có nhiều cây xanh mọc theo sườn núi. Đặc biệt về hướng đông có ngôi chùa Hang (Long Sơn Thạch Động) với cảnh quang thiên nhiên tuyệt đẹp.
CHÙA LONG SƠN THẠCH ĐỘNG
a/ Vị trí:
Nằm về hướng đông cụm núi Long Ẩn, từ chân núi đi lên 99 bậc thang đá đến sân chùa. Chùa Long Sơn Thạch Động tọa lạc trên một khu đất gồ ghề, có nhiều tảng đá lớn nhỏ nằm chồng lên nhau,ở độ cao 40m trong khu đất rộng khoảng 2000m2.
b/ Lịch sử xây dựng :
Chùa Hang ban đầu chỉ là một hang đá tự nhiên ăn sâu vào một tảng đá lớn, miệng rộng 1,3m nhỏ dần vào trong, hình dạng của hang giống như hàm ếch. Thấy hang có hình dáng đẹp mang một nét gì bí ẩn, linh thiêng cho nên năm 1927 ông Bảy Huê là thợ đá ở dưới núi thỉnh tượng Phật nhỏ và lư hương đặt trong hang và mỗi chiều ông đến thắp nhang, gõ mõ, cầu xin…Lâu dần theo năm tháng, khách thập phương tới dựng thêm mái che ngoài và người dân gọi tên Chùa Hang (Long Sơn Thạch Động).
Năm 1929, khách thập phương ủng hộ công của xây thêm chính điện tiếp nối với mặt trước chùa Hang (120m2) và gian nhỏ cạnh bên làm nhà bếp và nơi nghỉ ngơi.
c/Đặcđiểm:
Vào chùa qua cửa tam quan xây bằng gạch thẻ, chính giữa có ghi chữ Hán “Long Sơn Thạch Động”
Chánh Điện: quay về hướng tây gồm 01 gian bởi 02 hàng cột xây gạch vuông, 02 mái lợp tôn. Giữa chánh điện thờ Phật Di Đà, Thích Ca, bên phải thờ Phật Chuẩn Đề, bên trái thờ ông Đạt Ma Tổ Sư, ngoài cửa thờ ông Tiêu.
Trước chùa là sân nhỏ, phía trước là tượng Quan Âm Bồ Tát (đứng cao 3,50m) tay cầm tịnh bình, tay cầm nhành dương, nước tịnh xoa để xoa dịu bớt nỗi đau chúng sanh.
Bên phải : tượng Phật Thích Ca (cao 1,10m) trên tảng đá cao, bên cạnh là tượng Di Lặc Bồ Tát (cao 1,50m) ngự trên bục đá. Trước Phật Di Lặc là miếu thờ Bà Ngũ Hành và điện Linh Sơn Thánh Mẫu trên tảng đá rất lớn.
Bên trái : trên gộp đá bên gốc cây đa lớn là tượng Thích Ca ngồi tu khổ hạnh, leo lên 24 bậc thang bằng đá là miếu thờ Bà Cửu Thiên Huyền Nữ quay về hướng Nam, trước có cây bồ đề lớn. Phía dưới là tượng Phật nằm, bên trái là ngôi Bảo tháp hình lục giác 3 tầng có 6 búp sen xung quanh, trên chóp là chữ vạn.
Phía sau chùa : về hướng bắc khoảng 50m là ngôi Long An Tự (1959)
c/ Các ngày lễ trong năm:
Trong năm chùa Hang cúng 3 lễ chính: thượng ngươn (15/1 AL), trung ngươn ( 15/7 AL), hạ ngươn (15/10 AL) và ngoài ra còn phụ lễ 9/9AL (Lễ trùng cửu), lễ 8/4 AL.
* Chùa bà Thiên Hậu: Trước đây ở phía dưới gần sông Đồng nai, sau đó được xây dựng và dời về địa điểm ngay dưới chân núi Long Ẩn. Thiên Hậu Cổ Miếu thờ Bà Thiên Hậu, ông Tổ Sư nghề đá và ông Quan Công. Cứ 3 năm vào ngày 10/6 AL Chùa Bà Thiên Hậu đáo lệ 1 lần, ngày cúng được tổ chức 3 ngày liên tục: cúng 2 mặn, 1 chay, tổ chức diễn tuồng phục vụ cho khách địa phương. Nhất là người Hoa từ TP.HCM và nhiều du khách các nơi đều tụ tập về đây.làm nên một ngày hội lớn tại Trung Tâm VHDL Bửu Long.
3/ Cụm Hồ Nước (hồ Long Vân, hồ Long Ẩn):
Cụm hồ nước nằm về hướng Đông- Nam khu thắng cảnh Bửu Long gồm hai hồ (Long Vân, Long Ẩn) là do nhân tạo nằm sát bên nhau.
* Hồ Long Ẩn nằm dưới chân núi Long Ẩn, nguyên là một hồ nước nhỏ do việc khai thác đá trước đây đã vô hình tạo thành cùng với sự tác động của thiên nhiên như: khí hậu, mưa gió mà tạo thành…Hồ có diện tích 18,5ha, chỗ sâu nhất khoảng 20-22m, nước ở dưới dạng tồn đọng,vào mùa nắng mực nước thấp dưới 1m. Hướng đông của hồ là bức tường đá thẳng cheo leo, lồi lõm không tạo thành một hình dáng nhất định, hướng nam của hồ ít đá hơn hướng tây giáp tỉnh lộ 24, ở giữa hồ lệch về hướng tây bắc nổi lên một gộp đá lớn như một hòn đảo nhỏ trên có nhiều cây mọc xung quanh, trên mặt hồ có nhiều cồn đá lớn nhỏ nằm rải rác. Đặc biệt về hướng Tây-Nam có 4 gộp đá nối liền nhau với hình dáng rất đẹp tạo nên sự hấp dẫn với du khách như “Vịnh Hạ Long thu nhỏ”.
* Hồ Long Vân nằm ở giữa núi Long Ẩn và núi Bình Điện, mặt hồ luôn trong xanh phẳng lặng bởi vì không có đá nhô lên như hồ Long Ẩn, cho nên tạo phong cảnh sơn thủy hữu tình và rất nên thơ.
“Đồng Nai dòng nước uốn quanh
Ôm vòng Thạnh Hội, ngăn Bình Hòa thôn
Bửu Long trấn thủ một đồn
Có con lộ bóng bên cồn cây xanh
Bửu Phong cổ tự chùa linh
Đá chồng lên đá tượng hình hổ long.”
(Lương Văn Lựu)
III/ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM VHDL BỬU LONG
Trước năm 1975, Trung tâm VHDL Bửu Long là một vùng núi đá hoang sơ và còn trong tình trạng khai thác đá do các dân cư địa phương. Nhận thức được giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên này rất phù hợp cho việc phát triển du lịch, từ đó Tỉnh Đồng Nai xác định quy hoạch và có quyết định hình thành Khu du lịch Bửu Long.
* Những văn bản có liên quan đến việc hình thành:
o Quyết định số 627/QĐ-UBT ngày 19/9/1980 của UBND Tỉnh Đồng Nai v/v quy hoạch vùng núi đá Bửu Long thuộc 2 Xã Tân Thành – Bửu Long với diện tích 84ha.
o Quyết định số 531/QĐ-UBTP Biên Hòa ngày 09/05/1990 thành lập KDL Bửu Long.
o Quyết định số 483/QĐ-UBTP ngày 27/7/1987 của UBND TP.Biên Hòa v/v bảo vệ KDL theo quy hoạch
o Quyết định số 208/VH-QĐ ngày 13/3/1990 của Bộ Văn Hóa công nhận Khu danh thắng Bửu Long- TP.Biên Hòa – Tỉnh Đồng Nai là khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
o Quyết định số 666/UBT ký ngày 24/04/1993 của Chủ tịch UBND Tỉnh Đồng Nai v/v giao 83,67ha đất để quy hoạch xây dựng KDL Bửu Long theo luận chứng kinh tế kỹ thuật được duyệt.
Sau những năm tháng hoạt động, Du lịch Bửu Long đã tổ chức kinh doanh một số dịch vụ: ăn uống, nghỉ ngơi, cho thuê lều bạt, thiên nga, thuyền…nhằm phục vụ du khách đến tham quan, vui chơi trên bộ, trên hồ và đi chùa lễ phật. Qua những năm tháng hình thành và phát triển khu du lịch Bửu Long đã trải qua nhiều đơn vị quản lý, khai thác, đầu tư xây dựng như:
v GIAI ĐOẠN I: (Từ năm 1982-1987)
Du lịch Bửu Long được mang tên Công ty công viên cây xanh Đồng Nai trực thuộc Sở xây dựng Đồng Nai, do ông Nguyễn Công Thành làm giám đốc đã cho bốc 898 ngôi mộ ở khu trung tâm hiện nay, cải tạo nhà ở Xí nghiệp đá Tân Thành làm phòng trọ (nay là khu nhà hàng khách sạn Bửu Long).
Từ tháng 09/1986 – 07/1987, Công ty công viên cây xanh Đồng Nai được bàn giao về Cty Du Lịch Đồng Nai.
v GIAI ĐOẠN II: (Từ tháng 07/1987 – 1993)
Cty Du Lịch Đồng Nai bàn giao cho Cty TM-DV Biên Hòa trực thuộc UBND thành phố Biên Hòa và được mang tên khu du lịch Bửu Long, trong khoảng thời gian này đơn vị chủ quản trải qua nhiều lần đổi tên như: Cty ăn uống – dịch vụ - du lịch; Cty thương mại Biên Hòa. Kết quả đầu tư phát triển trong thời gian này chủ yếu là khai thác, tổ chức kinh doanh một số dịch vụ: ăn uống, nghỉ ngơi, cho thuê lều bạt, thiên nga, thuyền,… nhằm phục vụ du khách đến tham quan, vui chơi trên bộ, trên hồ và đi chùa lễ Phật.
v GIAI ĐOẠN III: (Từ năm 1993-1998)
Trong quá trình phục vụ, tích lũy kinh nghiệm để dần đi tới hoàn thiện KDL Bửu Long và sau một loạt khảo sát nghiên cứu để tiến hành phát triển du lịch. Vào năm 1993, được phép của UBND Tỉnh Đồng Nai, UBND TP.Biên Hòa, Cty TM-DV Biên Hòa cùng hợp tác liên doanh với Cty Xây dựng An Đông trực thuộc Ngân hàng cổ phần Việt Hoa TP.HCM để tiến hành đầu tư, cải tạo một bước khá quy mô về mở rộng tổng thể mặt bằng giải tỏa một số điểm:
- Môi trường hồ Long Ẩn được xử lý rác; nước thải của các dân cư trong khu vực.
- Giải tỏa một số hộ dân cư ngụ trong khuôn viên Du Lịch Bửu Long.
- Giải tỏa khu vực nghĩa trang nằm tại Khu Trung Tâm để xây dựng một số công trình lớn.
- Sắp xếp, giải tỏa am cốc không phù hợp (núi Long Ẩn).
Song song đó, KDL Bửu Long đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: đường nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, chiếu sáng và Cảnh quan môi trường được cải thiện bằng cách trồng hàng ngàn cây xanh phủ đồi trọc tại khu dã ngoại Long Vân, khu chùa núi, tạo một số vườn hoa cây kiểng, trồng thảm cỏ. Một số công trình khác như: các dịch vụ trò chơi ( video game, nhà banh, patin, xe đua, đu quay, mê hồn trận, sân khấu), một số tượng thú như: Khủng long, lôi long, tắc kè lửa, voi mamut, tê giác 9 sừng, núi lửa, thung lũng tình yêu, khu ăn uống (Nhà hàng Du Long, Quán Sơn Nữ, Quán Triều Sơn, Quán Khủng Long) và một số quầy lưu niệm.
Từ đây KDL Bửu Long hình thành 05 khu vực hoạt động:
Khu thú tiền sử
Khu trung tâm vui chơi giải trí
Khu Nhà hàng – Khách sạn
Khu Chùa núi.
Khu vui chơi trên hồ
- Mùa Xuân năm 1994 KDL Bửu Long thực sự đón tiếp khách du lịch từ khắp nơi đến tham quan và tận hưởng không khí trong lành. Để thực hiện phát triển du lịch theo quy hoạch đến năm 2000.
- Năm 1995 KDL Bửu Long tiếp tục đầu tư xây dựng một số công trình mới để phục vụ như: cổng chính (cổng mái tranh), nhập một số chim thú quý hiếm từ Đài Loan, đảo Thiên Tuế, các trò chơi: phao đụng, thú lúc lắc, xe điện thiếu nhi, máy cày đạp nước, thiên nga…
v GIAI ĐOẠN IV (Từ năm 1998-2001)
- Từ năm 1997 đến năm 2000 phía bên liên doanh không có kế hoạch đầu tư tiếp cho KDL, cho nên trong thời gian này KDL Bửu Long phải củng cố và duy trì các mô hình hiện hữu để khai thác và đề ra các mô hình hoạt động. Tuy nhiên, Khu danh thắng di tích quốc gia Bửu Long là nơi rất phù hợp cho việc tổ chức các hoạt động dã ngoại, lửa trại và thu hút lượng SV-HS từ TP.HCM.
- Từ tháng 07/1997 KDL Bửu Long kết hợp Cty Hải Vương TP.HCM và Trung tâm dã ngoại Lửa việt tổ chức chương trình leo núi đá Bửu Long. Đây là môn thể thao khá hấp dẫn, gây cảm giác mạnh đòi hỏi ý chí và lòng dũng cảm, trong tour này du khách được kết hợp tham quan một số di tích văn hóa lịch sử ở Biên Hòa và du thuyền trên sông Đồng Nai. Trong thời gian này, KDL vẫn đầu tư cảnh quang môi trường , bồn hoa, thảm cỏ một cách khang trang và mở rộng hoạt động khu dã ngoại Long Vân.
- Trong những ngày giáp Tết Tân Tỵ 2001 của sự kiện “Chào thế kỷ mới” là ngày hội lớn của cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng, đây là sự kiện quan trọng nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, lòng yêu nước và con người Việt Nam. Để thực hiện chương trình quốc gia về du lịch chào mừng các sự kiện lịch sử năm 2000, chính vì vậy khu danh thắng di tích quốc gia Bửu Long được chọn làm điểm tổ chức lễ hội đón giao thừa chào thế kỷ mới từ 29/12/2000-03/01/2001. Để đáp ứng điều kiện phục vụ lễ hội và khơi dậy tiềm năng du lịch, Tỉnh Đồng Nai đã đầu tư kinh phí hơn 10tỷ đồng để xây dựng chỉnh trang và xây dựng 16 hạng mục công trình: cổng chính, cổng phụ, quảng trường trung tâm, nhà hội thảo, khu ẩm thực, khu triển lãm thương mại, khán đài, sân khấu trung tâm, cầu dẫn (cầu phao), đường nội bộ, sân, bãi xe, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước, hàng rào và hệ thống cây xanh. Lễ hội “Giao thừa thế kỷ” đã thu hút một lượng khách rất lớn đến tham gia với các hoạt động như: hội chợ, hội trại thanh niên, triển lãm, giao lưu văn hóa, các chương trình nghệ thuật sân khấu, thương mại, du lịch, hội hoa đăng và TDTT.
v GIAI ĐOẠN V:
Những phương hướng phát triển du lịch tại TTVHDL Bửu Long là khu du lịch văn hóa sinh thái, vui chơi giải trí với các dự án như sau: công viên nước, nhà thi đấu thể thao đa năng, xây dựng hệ thống tường rào KDL, củng cố hệ thống cây xanh cây kiểng, tăng cường các qui mô trò chơi, thông hồ Long Ẩn với hồ Long Vân đến khu Văn Miếu Trấn Biên, xây dựng những điểm sinh hoạt hội trại, đầu tư khai thác khu nhà hàng đa năng, xây dựng mối quan hệ với các đơn vị Cty du lịch lữ hành để đưa khách đến tham quan tại Bửu Long.
IV/ CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU CỦA TRUNG TÂM VHDL BỬU LONG.
Ngày nay, để quý du khách tiện việc tham quan và biết rõ thêm về Du Lịch Bửu Long, chúng tôi xin được phép giới thiệu sơ lược về các hoạt động chủ yếu của Trung Tâm VHDL Bửu Long.
1/ KHU TRUNG TÂM – VUI CHƠI GIẢI TRÍ
Bây giờ xin mời các bạn bắt đầu cuộc hành trình bước chân vào vùng đất của một không khí trong lành, khung cảnh sơn thủy hữu tình của một Khu di tích danh thắng quốc gia Bửu Long.
Vào cổng chính hướng Tây với biểu tượng 2 con rồng đang ngậm trái châu bên cạnh thác nước của vùng đất mang tên Bửu Long. Trước mặt du khách hiện ra là quảng trường trung tâm rộng lớn cùng với vườn hoa cây cảnh được bố trí hài hòa giữa những thảm cỏ xanh mát tạo một không khí trong lành. Tiến vào bên trong sân khấu Trung tâm có khán đài sức chứa trên 3000 chỗ ngồi phục vụ các hoạt động chương trình Văn hóa- Văn nghệ.
Khu trung tâm là nơi tổ chức các hoạt động trò chơi giải trí để phục vụ cho thanh thiếu nhi: xe điện đụng, phao đụng, nhà banh, thúc lắc…được bố trí trong một khu rừng tràm rợp bóng mát, đồng thời là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động hội trại lớn cho các đoàn thể, trường học, cơ quan, công nhân các xí nghiệp…
2/ KHU THÚ TIỀN SỬ
Đây là một khu vườn nhỏ rộng khoảng trên 2ha với nhiều loại chim thú như: tu can, thiên nga, vẹt xanh, vẹt xám, vẹt cánh xanh, công xanh, công trắng, trỉ, tu hú đầu đen và xanh, cùng một số gà kiểng…trong đó, đặc biệt bộ sưu tập sinh vật thú tượng thời tiền sử được tái hiện: Khủng long khè lửa (cao khoảng 8m), lôi long, voi mamut, tê giác 9 sừng, tắc kè lửa và núi lửa.
3/ KHU VUI CHƠI TRÊN HỒ
Du khách đã đến Bửu Long không thể bỏ qua tham quan chiêm ngưỡng hồ Long Ẩn thơ mộng trên du ngoạn bằng thiên nga, máy cày đạp nước, canô. Một nhóm bạn hay cùng gia đình có thể trên một chiếc thuyền dạo vòng quanh hồ để len lỏi qua từng vách đá dựng đứng, dưới những cây phủ bóng lung linh xuống mặt hồ. Sau khi đi một vòng hồ các bạn có thể dừng chân bên thác nước Bửu Long đổ xuống hồ Long Ẩn và làm nên Thung Lũng Tình Yêu, nơi hò hẹn những đôi bạn trẻ cùng với những con thiên nga đang tung tăng bên dòng thác và ghé vào Sơn Nữ Quán để nghỉ ngơi.
Không có gì hơn khi chúng ta để tâm hồn được hòa vào thiên nhiên, xin mời bước qua Cầu phao ở bến thuyền hồ Long Ẩn để dẫn lên đảo Phong Lan nằm trên ốc đảo cao nằm giữa mặt hồ ngắm cảnh., gặp con rồng ẩn mình trong đá đang phun nước, cùng các tiểu cảnh nằm rải rác trên mặt hồ: nàng tiên cá, cá sấu, những chú ếch, rùa…Tại đây, sẽ giới thiệu các loại hoa lan đang vươn màu khoe sắc, hai hàng hoa anh đào tình nguyện làm bóng che nắng trên khắp lối đi trên đảo.
4/ KHU CHÙA NÚI
Du lịch Bửu Long là một danh lam đã thu hút rất nhiều khách hành hương đến với ngôi chùa cổ nổi tiếng-Bửu Phong Cổ Tự được xây dựng 1916 vào thế kỷ 17 với lối kiến trúc chạm trổ, hoa văn rất tinh vi và là tuyệt tác đầy tính dân tộc. Tại đây vẫn còn lưu giữ một số cổ vật: Xá lợi Phật, các câu liễn đối, bức hoành phi bằng gỗ…Ngoài ra, chùa Long Sơn Thạch Động, chùa Bà Thiên Hậu, Văn Miếu Trấn Biên.
Một lần nữa để tiếp tục cho cuộc hành trình dã ngoại đến Bửu Long, xin mời các bạn nếu như muốn chinh phục thiên nhiên bằng sức mạnh và thử thách lòng can đảm của mình thì hãy chuẩn bị một ba lô gọn nhẹ, giày thể thao để tham gia chương trình leo núi đá
Bửu Long ở độ cao 40m do hướng dẫn kỹ thuật Didier Rexach-HLV chuyên nghiệp người Pháp, được tổ chức hàng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc hợp đồng từng nhóm phục vụ các ngày khác trong tuần.
5/ KHU NHÀ HÀNG – KHÁCH SẠN
Sau khi vản cảnh chùa, tham quan hồ núi chùa, vui chơi trên mặt hồ và trên bộ đã thấm mệt du khách có thể ngả lưng trên ghế dưới khu tràm đầy bóng mát. Cách đó không xa là Nhà hàng Du Long và Khu Nhà Hàng – Khách Sạn Bửu Long được xây dựng biệt lập trên đồi cao nhìn ra mặt hồ Long Ẩn với những phòng kiểu nhà rong biệt lập.
TRUNG TÂM DU LỊCH BỬU LONG
Nằm cách trung tâm thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai khoảng 6km, khu du lịch Bửu Long giống như Vịnh Hạ Long thu nhỏ với khung cảnh bình yên, hoang sơ.
Xem chi tiếtBửu Long Ngay sát cạnh thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai, khu du lịch Bửu Long với diện tích 64ha hiện ra lộng lẫy đến ngạc nhiên với cụm thiên nhiên hồ Long Ẩn, núi Bình Điền và những...
Xem chi tiếtCách trung tâm thành phố Biên Hòa 6 km (4 miles), khu du lịch Bửu Long được xây dựng quanh một hồ nước nhân tạo do khai thác đá, đó là hồ Long Ẩn. Hồ rộng hàng chục ha. Có thể nói hồ Long Ẩn là một bức...
Xem chi tiếtTừ ngày 29-5 đến 1-6, Liên hoan “Ẩm thực đất phương Nam” năm 2014 đã diễn ra tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, thu hút khoảng 60 đơn vị tham gia với...
Xem chi tiết